Kỹ thuật trồng lan
Lan là một loài thực vật có hoa mang vẻ đẹp thuần khiết, nữ tính đầy sang trọng. Ở nước ta, một đất nước nhiệt đới rất thích hợp cho lan sinh trưởng và phát triển. Lan có nhiều loại khác nhau, chúng đều mang một vẻ đẹp độc đáo và mang một ý nghĩa riêng. Vì vậy không ít người muốn sở hữu một vườn lan xinh xắn cho riêng mình. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng lan như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng biết. Điều đó dẫn đến việc lan chết, chậm ra hoa, khô héo, …
Trong bài viết này, Hoa lan Ngọc Sơn xin giới thiệu đến bạn một vài kỹ thuật trồng lan mà chúng tôi vừa thu thập được, cùng tham khảo ngay bên dưới nhé.
CHỌN GIỐNG
Chọn giống lan là một bước vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam có hơn 800 loại giống lan. Một số loại giống lan dễ trồng cho người mới bắt đầu như lan vũ nữ, lan hồ điệp, lan Dendrobium… những loại lan này dễ chăm sóc và ra hoa rất đẹp. Ngoài ra, bạn còn có thể chọn lan theo mùa hoa nở, hoặc theo thời gian hoa nở có lâu hay không:
Chọn giống theo mùa hoa nở
Vào mùa xuân bạn muốn một vườn lan khoe sắc bạn có thể chọn một số giống lan như Cymbidium, Dendrobium. Có một số giống lan chỉ nở vào mùa Hạ như Stanhopea, hay nở vào mùa Thu như Paphiopedilum.
Có một vài giống lan có thể nở vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, chúng đa phần là những cây lai giống như Phalaenopsis, Cattleya. Epica, Brassavola nodosa, Epidendrum ibaguense hay Epidendrum radicans…
Chọn giống lan theo thời gian hoa nở lâu tàn
Có nhiều loại lan có thể khoe sắc rất lâu từ 10-12 tuần và hoa nở liên tiếp 3-4 tháng như Phalaenopsis (hồ điệp). Một số loài hoa lan nở trong khoảng 8 – 10 tuần như Cymbidium (địa lan), Renanthera (lan phượng vĩ) Dendrobium lai giống màu xanh tím.
THIẾT KẾ VÀ BỐ TRÍ VƯỜN LAN
Để có một góc vườn lan xinh xắn, đẹp thì việc thiết kế và bố trí sao cho phù hợp với không gian vườn của mình cũng là điều quan trọng.
Bố trí kiểu trồng lan
Thường có 2 cách bố trí lan là trồng treo giàn và trồng trên sạp
Trồng treo giàn
Cách bố trí này phù hợp với không gian có diện tích nhỏ. Nó sẽ tạo cảm giác thông thoáng giúp cây dễ phát triển, phát triển đều và nhanh chóng. Đồng thời sẽ dễ dàng chăm sóc và di chuyển lan khi cần thiết.
Trồng lan trên sạp
Cách trồng này sẽ phù hợp với quy mô trang trại. Nó giúp trồng được nhiều cây hơn, khi hoa nở thì không gian vườn lan của bạn đua nhau khoe sắc. Nhưng sẽ khó khăn trong việc chăm sóc, dễ lây lan mầm bệnh hơn cách trồng trên giàn.
Thiết kế khu vực trồng lan
Mỗi khu vực nhà ở chúng ta sẽ có một không gian trống để tạo thành vườn hoa lan khác nhau:
Sân thượng: Đây là một vị trí rất thích hợp để trồng lan. Một nơi thông thoáng, có ánh nắng mặt trời nhưng bạn cần chú ý đến gió sẽ làm tổn thương đến lan. Bạn cần giăng lưới xanh đen để giảm bớt ánh nắng và gió. Đồng thời nên trồng theo cách treo gian để tạo độ thông thoáng và giảm bớt việc bốc hơi nóng vào buổi trưa.
Ban công: Ban công là nơi thư giãn lý tưởng của bạn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Những giỏ lan được bố trí theo cách trồng treo giàn sẽ giúp phong lan hưởng được ánh nắng mặt trời, thông thoáng và dễ phát triển.
Sân vườn: Một mảnh sân vườn sẽ rất thông thoáng và dễ chăm sóc cho những giỏ lan. Nhưng cần chú ý vấn đề sâu bệnh cho lan nhất là vào mùa mưa.
QUY TRÌNH TRỒNG LAN
Chuẩn bị giá thể và chậu
Bước 1: chọn một chậu trồng phong lan cần có lỗ thoát nước. Chậu trồng phong lan bằng nhựa hoặc đất nung. Nhưng nên ưu tiên chọn chậu đất nung để giúp phong lan phát triển tốt hơn. Dựa vào kích thước và tuổi của lan mà chọn kích thước chậu phù hợp. Trước khi trồng hoa nên vệ sinh chậu trồng.
Bước 2: Chọn giá thể như là than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc
- Một số lưu ý khi chọn giá thể”
- Vỏ cây có khả năng thoát nước tốt nhưng dễ bị mục nát.
- Xơ dừa cần ngâm với Tanin và Lignin để xả chát.
- Than gỗ cần được chặt thành các khúc nhỏ và làm sạch bằng cách ngâm rửa và phơi khô.
- Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa cần được ngâm với vôi 5% để giảm độ chát của vỏ dừa đồng thời cần chặt khúc nhỏ để rễ lan dễ bám vào
Bước 3: Sau đó cho giá thể vào chậu khoảng 25% so với chiều cao của chậu.Cho các giá thể có kích thước đã chuẩn bị ở bước 2 vào đáy trước, sau đó thêm rêu, mụn dừa để tạo độ xốp và tăng độ ẩm ( thêm đến khi được 50% thể tích chậu). Thêm các giá thể vụn đến khi cách mép chậu khoảng 1-2cm. Để giữ lan tốt và vững, nên cắm cọc xung quanh làm bệ đỡ cho phong lan.Sau đó, dùng dây buộc nhẹ thân lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào giữa chậu.
- Lưu ý: Cây mới được trồng cần giảm độ sáng, tránh mất nước và để rễ non dễ phát triển.
Chăm sóc lan đúng cách.
Hoa lan là một cây dễ chăm sóc nhưng cần lưu ý các yếu tố như ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng để giúp phong lan phát triển và sinh trưởng tốt nhất.
Ánh sáng
Ánh sáng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển và ra hoa của lan. Vì vậy cần quan tâm đến cường độ và mật độ ánh sáng cung cấp cho cây. Phong lan thiếu ánh sáng sẽ gây ra tình trạng vươn cao nhưng gầy ốm, nhánh nhỏ, lá màu xanh tối, ít nảy chồi, khó ra hoa và nhanh tàn.
- Cường độ và mật độ ánh sáng lớn dẫn đến cây lan thấp, lá nhăn, khô dẫn đến vàng lá, mép lá bị rũ, dễ ra hoa sớm nên chất lượng hoa kém và cây kém phát triển.
- Nắng gắt quá sẽ dẫn đến bị cháy và khô dần rồi chết.
- Độ tuổi và giống lan khác nhau thì cần cường độ và mật độ ánh sáng khác nhau. Lan Hồ Điệp là loại lan chịu được ánh sáng kém nhất khoảng 30%. Tiếp đến là Lan Cattleya khoảng 50% và khả năng chịu nắng đáng kể nhất là Lan Vanda lên đến 70% nắng.
- Mỗi giai đoạn phát triển của lan thì cần cung cấp lượng ánh sáng khác nhau. Giai đoạn đầu cây non từ 0 đến 10 tháng thì lan cần khoảng 50% ánh sáng. Khi lan lớn hơn thì cần cung cấp một lượng ánh sáng khoảng 70% cường độ ánh sáng. Vì vậy cần bố trí một tấm lưới xám đen để có thể điều chỉnh lượng nắng để cung cấp cho lan ở mỗi giai đoạn.
- Hướng chiếu sáng rất quan trọng với lan. Ánh nắng buổi sáng dịu nhẹ hơn so với buổi chiều, vì vậy ban công hướng Đông sẽ rất tốt cho sự phát triển và sinh trưởng của Lan. Với ban công hướng Tây sẽ làm cho kém phát triển và ít hoa.
Phân bón
Dinh dưỡng là một yếu tố vô cùng quan trọng với lan. Để lan có thể phát triển tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp và bền thì cần đầy đủ dinh dưỡng để cung cấp cho phong lan. Nếu phong lan thiếu dinh dưỡng thì sẽ còi cọc, kém phát triển và không hoặc ra hoa rất ít.
Lan cần 13 dinh dưỡng thuộc các nhóm đa lượng, vi lượng và khoáng chất.
Dinh dưỡng đa lượng
- Lan cần nhóm dinh dưỡng đa lượng gồm có đạm (N), lân (P) và kali (K).
- Đạm là một thành phần quan trọng đối với chất diệp lục của cây, tham gia vào việc tạo thức ăn cho cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.Nếu lan thiếu đạm sẽ dẫn đến tình trạng cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng, rễ mọc nhiều nhưng cằn cỗi dẫn đến cây khó ra hoa theo quy luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa. Khi phong lan thừa đạm, thân và lá xanh mướt nhưng mang vẻ yếu đuối, dễ bị sâu bệnh và đổ ngã, rễ chuyển sang màu xám đen và ít hoặc không có hoa.
- Lân có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và vận chuyển các chất dinh dưỡng, kích thích rễ phát triển và đồng hóa dinh dưỡng cho cây. Hàm lượng lân không đủ sẽ làm cây còi cọc, lá có màu xanh đậm, nhỏ và ngắn, thêm vào nữa rẻ có màu xám đen, cây không thể ra hoa. Còn khi bón phân thừa lân thì cây sẽ thấp, có hoa nhưng hoa ngắn, nhỏ và cây sẽ bị tổn thương sau khi nở hoa. Vì vậy khi hàm lượng lân quá cao dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.
- Kali có vai trò cân bằng nước và ion trong tế vào cây, hoạt hóa enzim đồng thời tăng khả năng hấp thu nước của rễ. Vì vậy khi thiếu kali, cây kém phát triển, lá bị xoắn lại, vàng lá, cây mềm yếu do thiếu nước, kém ra hoa hoặc ra hoa xấu. Cung cấp quá nhiều kali dẫn đến phong lan lá nhỏ và thân và lá gầy, không mướt đồng thời còn dẫn đến thiếu magiê và can xi.
Dinh dưỡng trung lượng
- Dinh dưỡng trung lượng mà lan cần được cung cấp gồm lưu huỳnh (S), magie (Mg) và canxi (Ca).
+Tuy lưu huỳnh là chất dinh dưỡng trung lượng nhưng nó đóng vai trò tổng hợp các acid amin cho cây. Vì vậy khi thiếu lưu huỳnh thì lá non từ xanh chuyển sang vàng nhạt, cây kém phát triển, lùn, còi cọc, ít ra chồi và hoa.
+Magie là chất không thể thiếu với cây, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, và tổng hợp protein, gluxit, lipit cho cây. Giúp lá cây xanh và dày hơn.Vì vậy khi thiếu Mg, thân cây và lá lan sẽ èo uột, lá có vân vì không tổng hợp đủ chất diệp lục, khó nở hoa.
+ Canxi là một thành phần không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây nào, giúp kích thích phát triển rễ và giúp hình thành các chất tạo màng của tế bào. Vì vậy cây trở nên cứng cáp hơn. Khi hàm lượng Ca không đủ làm cho cây kém phát triển, thân mềm lá nhỏ, rễ yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tất công.
Dinh dưỡng vi lượng
- Dinh dưỡng vi lượng gồm sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), bo (B), molydon (Mo) và clo (Cl).
+Sắt là thành phần để tổng hợp chất diệp lục, hoạt hóa enzim. Vì vậy khi thiếu sắt các lá non không còn màu xanh mà chuyển sang trắng nhợt, cây còi cọc, khó có hoa.
+ Kẽm là một nguyên tố cực kỳ quan trọng với cây, tham gia vào tất cả các quan trình của cây như quang hợp, tổng hợp protein, hình thành đường, sinh sản và bảo vệ chống lại các dịch bệnh. Vì vậy thiếu hàm lượng kẽm dẫn đến lan không phát triển tốt, thân và lá ngắn, hẹp, có các vệt màu vàng nhạt trên lá, các đốt mắt ngắn, cây ít hoa hoặc không có hoa.
+Đồng có mặt trong Cytocrom Oxydase và chứa nhiều trong diệp lục. Đồng thời tăng khả năng hút Zn, Bo, Mn của cây. Khi thiếu đồng thì lá xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, khó hình thành hoa, cây dễ bị nấm tấn công. Hàm lượng Cu quá thấp dẫn đến thiếu Zn, Bo, Mn.
+ Mangan là thành phần của hệ thống enzym trong cây. Vì vậy Mn cũng đóng vai tròng trong các phản ứng trao đổi chất và làm tăng sự hữu dụng của Ca và Lân.Thiếu Mn, lá non với màu vàng ở dưới gân lá, đôi khi xuất hiện nhiều đốm đen, xuất hiện màu xám gần cuống lá non.
+Bo là nguyên tố vi lượng rất cần thiết trong quá trình phân chia tế bào, giúp cấy hấp thụ canxi tốt hơn.Thiếu bo,lá dày,lá thường có những đốm vàng trắng và biến dạng.Thiếu Bo làm quá trình vận chuyển nước và muối khoáng đến các đỉnh bị đình trệ,, gây nên hiện tượng chồi ngọn bị chết, các chồi bên cũng thui dần, rễ cây kém phát triển, hoa dễ rụng, nhanh tàn.
+ Mo cần cho sự tổng hợp và hoạt động của men khử Nitrat, đồng thời có thể chuyển hóa lân vô cơ sang hữu cơ giúp cây dễ hấp thụ.Thiếu molybdenum, xuất hiện tượng lá vàng và đình trệ sự sinh trưởng.
+Clo tham gia vào hoạt động tạo năng lượng cho cây. Hàm lượng Clo thiếu sẽ dẫn đến lan xuất hiện các vệt úa vàng trên lá , cây còi cọc.
Lưu ý: Tuy lan rất cần 13 nguyên tố dinh dưỡng nhưng không chịu được nồng độ quá cao. Vì vậy bón phân cho lan cần phải nắm rõ các giai đoạn cần hàm lượng bao nhiêu để bón.
Các giai đoạn bón phân
- Giai đoạn đầu từ 0-12 tháng là thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp. Dùng cách bón phân tan chậm và bón phân có hàm lượng đạm cao như dòng phân 30:10:10.p
- Giai đoạn thứ 2 từ 12- 18 tháng thời kỳ hình thành hoa cần đạm thấp, lân và kali cao chọn những phân bón có hàm lượng cân đối như 20:20:20 hoặc 14:14:14.
- Giai đoạn khi vòi hoa xuất hiện cần kali cao, lân và đạm thấp chú trọng chọn dùng phân có hàm lượng 7:5:47 hoặc 6:10:60,…
Tưới nước
Phong lan thích hợp với môi trường có độ pH 5-6 để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy nước tưới cho lan nên là nước trung tính. Phong lan sẽ bị héo khô, giả hành teo lại và lá rụng khi thiếu nước. Khi thừa nước, cây dễ bị úng dẫn đến thối đọt gây chết cây, cũng là điều kiện thuận lợi sinh trưởng phát triển thuận lợi của nấm bệnh phát triển mạnh.
Nếu có điều kiện, nên dùng hệ thống tưới phun sương hằng ngày sẽ duy trì được độ ẩm 40%, độ ẩm này sẽ giúp cho lan dễ sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Sáng sớm hay chiều mát là thời điểm tưới thích hợp cho phong lan.
Lưu ý: không nên tưới vào buổi trưa khi trời đang nắng gắt. Khi bắt đầu vào mùa mưa, sau những cơn mưa bất chợt thì nên tưới ngay để rửa các cặn đọng trên lá.
Phòng trừ sâu bệnh
Phong lan là cây dễ bị sâu bệnh khi điều kiện môi trường không thuận lợi và điều kiện chăm sóc không tốt. Tùy vào từng loại sâu bệnh mà dùng thuốc thích hợp, theo liều lượng mà nhà cung cấp khuyến cáo. Lan cũng dễ bị vi khuẩn hoặc virus làm lá lan xuất hiện tình trạng cháy từng đám hoặc vết cháy lan tròn dần và gây thối rễ. Lúc này nên dùng Zineb, Starner 20 WP hay Benomyl để phòng ngừa.
Để có một một vườn hoa lan đẹp và thỏa được đam mê cây cảnh nên cần kiên nhẫn. Bởi vì để trồng và chăm sóc lan là một quá trình dài mới gặt hái được thành quả là những bông hoa lan đẹp và to.